Pop Cultural

Dành cho Tumblr, ngày cuối cùng – Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu?

“…Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời…”

Không có gì phải ngạc nhiên khi vào đầu tháng 12, Tumblr tuyên bố sẽ chính thức càn quét tất cả các nội dung khiêu dâm bằng hình ảnh và video trên nền tảng của mình, từ ngày 17. Bởi trước đó, hai thành trì vững chắc và đáng chú ý nhất của thể loại nội dung này là Craigslist và Reddit cũng từng bị một phen chao đảo vì sự ra đời của FOSTA-SESTA (Đạo luật chống buôn bán tình dục trực tuyến & Đạo luật chấm dứt cho phép buôn bán tình dục). Trong khi Craigslist tắt hẳn chuyên mục Personal, một khu vực được xem là “thánh đường” của những người hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục/mại dâm trên toàn thế giới, thì Reddit lại xoá đi một vài trang subreddits quan trọng có liên quan đến lĩnh vực mại dâm trực tuyến được hàng chục nghìn lượt người theo dõi. Tính “khả thi”, sự “nhân văn” hay quan điểm về đạo đức của FOSTA-SESTA sẽ vẫn còn là một chủ đề được bàn tán lâu dài và sẽ rất khó để đi đến một quan điểm thống nhất, bởi câu chuyện về đúng/sai trong tình dục vẫn muôn đời là câu chuyện gây tranh cãi của người đời chứ không chỉ riêng gì ở thời điểm hiện tại hay vài năm gần đây.

Dĩ nhiên, FOSTA-SESTA chưa hẳn là nguồn cơn chính dẫn đến sự sụp đổ hay nói trắng ra, là mất đi bản sắc, của Tumblr vào ngày 17/12/2018. Đó là hệ luỵ của một chặng đường rất dài mà chúng ta đã chứng kiến một đế chế trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng rồi, sau tất cả, lại ngã ngựa vì chọn đường đi quá khó. Cách đây 5 năm, khi Tumblr được mua lại bởi Yahoo, David Karp, chàng trai sáng lập mạng xã hội triệu đô toàn cầu Tumblr khi đó, vẫn rất quyết liệt bệnh vực cho nội dung khiêu dâm trên Tumblr, và nói rằng anh không bao giờ muốn vẽ nên một đường chỉ để ngăn cách giữa porn và art. Về thực chất, porn chính là art, và porn hay art cũng đều là một phần tất yếu trong cuộc sống. 

Từ khi thành lập vào năm 2007 đến nay, Tumblr từ một mạng xã hội nhỏ bé chuyên trị microblogging đã trưởng thành và trở thành một người “khổng lồ” với 450 triệu trang blog và hơn 600 triệu lượt người dùng mỗi tháng. Có nhiều con số thống kê khác nhau, nhưng một thống kê gần nhất cho biết có đến 22% lượng nội dung trên Tumblr là porn. Tại sao là porn, hoặc tại sao là Tumblr, câu hỏi đầy tính triết học này có nhiều phương thức để giải đáp khác nhau, nhưng có lẽ, ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đã không còn cần thiết nữa. David Karp đã chính thức rời bỏ Tumblr từ cách đây tròn 1 năm, và những gì còn sót lại của Tumblr chỉ là một vỏ bọc mệt mỏi với những nỗ lực già nua, vẫn là hình ảnh đó, vẫn là nền tảng đó, nhưng tất cả ảo diệu của một thiên đường dường như đang ngày càng tàn úa và rệu rã. Tumblr – giờ đây như là một “di sản của mất mát”, không phải bởi vì không theo nổi cuộc đua công nghệ như Yahoo hay Nokia đã từng ngã ngựa trước những đối thủ to tát (vì Tumblr chưa bao giờ coi Insta hay Facebook là đối thủ, phải không?), mà chỉ bởi đơn giản đó là một trang mạng xã hội của những kẻ yếm thế, những người lập dị, những kẻ cô đơn, những linh hồn yếu đuối, những người sống nội tâm, những kẻ khao khát được đưa bàn tay ra để nắm lấy một bàn tay nào đó ngoài đời thực nhưng mọi thứ đều chỉ là hư ảo. Trên Tumblr, họ được là chính mình, họ được phơi bày, họ có quyền công khai nhưng khi cần thiết, họ cũng có quyền giấu mặt, họ thưởng thức, họ sống hạnh phúc, họ chia sẻ, họ va đập vào nhau, kỳ vọng lẫn nhau và cũng biết cách để cho nhau có được những khoảng lặng riêng tư vô cùng cần thiết, nhưng điều quan trọng, là họ không-phải-là-đám-đông, họ chỉ là một nhúm người nhỏ bé, dẫu con số ấy đã lên đến hàng trăm triệu – vẫn vô cùng nhỏ bé, và không sở hữu trong tay bất cứ thứ quyền lực gì để chống chọi lại sóng dữ. Như một điều tất yếu, họ sụp đổ, như những vùng đất thời cổ đại từng được xem là thiên đường của một chủng tộc nào đó, nay đã trở thành quá vãng. Tumblr, dù đã từng là lẽ sống, là đất thánh, là nơi đơm trái ngọt lành và nuôi nấng giấc mơ của nhưng linh hồn tội lỗi, là thứ kết nối giữa những trái tim cô lẻ, có lẽ đã đến lúc sụp đổ, sau bao nhiêu nước đã chảy qua cầu…

Như David Karp, người dùng Tumblr đầu tiên trên thế giới, đã không còn phát ngôn bất cứ điều gì trên mạng xã hộinữa trong vòng suốt một năm vừa qua.

Chúng ta chẳng còn nơi nào khác để đi?

Bất cứ ai dùng Tumblr với mục đích để thưởng lãm porn, hoặc đắm chìm trong thế giới ấy, hoặc dùng nó như một công cụ để kết nối với nền công nghiệp khiêu dâm tỷ đô trên toàn cầu, đều có thể cảm nhận được sự lung lay của Tumblr với porn trong nhiều năm vừa qua. Nó chính là một quá trình sụt lún từ từ, như thiên đường hạ giới chìm xuống mặt biển (Và một ngày, liệu nó có thể phục sinh như Atlantic?). Tumblr đã từng dùng rất nhiều phương thức khác nhau để xoá đi nội dung video khiêu dâm mà người dùng đăng tải trên platform của mình, một cách không chính thức. Dù Tumblr đã quy định từ rất lâu, rằng họ không lưu trữ video khiêu dâm, vì nó rất tốn kém, nhưng cách xử lý nhập nhằng của Tumblr khi biến một video đã được đăng tải đầy đủ trở thành một video “không load được” mà không có bất cứ cảnh báo nào, đã cho thấy rằng Tumblr là một nền tảng, dù đã từng được Yahoo hay chủ sở hữu sau này là Verizon đặt rất nhiều kỳ vọng về mặt doanh thu và phát triển, yếu kém về mặt công nghệ và xử lý nội dung. 

Ngay cả trong thông cáo gần nhất về việc càn quét nội dung khiêu dâm trên Tumblr từ ngày 17/12/2018 cũng cho thấy rất nhiều nhập nhằng và bối rối của đội ngũ lãnh đạo và phát triển. Người ta đồn đoán rằng việc Apple loại Tumblr khỏi App Store cách đây chưa lâu do phát hiện nội dung khiêu dâm trẻ em chính là giọt nước tràn ly khiến những người có quyền quyết định sinh mệnh của Tumblr cho rằng đã đến lúc phải thay máu, và thay vì tiếp tục con đường “thánh chiến” mà David Karp đã gầy dựng trong suốt một thập kỷ vừa qua, họ dự định đưa Tumblr trở về với thế giới mainstream, nơi mọi thứ tươi đẹp, hào nhoáng, lộng lẫy, ngọt ngào và thánh thiện như-nó-phải-là.

Cuộc càn quét lịch sử ấy đã gây ra một cơn bão nho nhỏ trong cộng đồng công nghệ và mạng xã hội nói chung và những người dùng Tumblr nói riêng? Những người nghiện sex? Những người hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục trực tuyến? Những người đam mê khám phá thế giới qua lăng kính của tình dục. Những người xem sex là một bản năng tất yếu không thể loại bỏ trong lịch sử của loài người. Họ đi đâu, chúng ta đi đâu? Một cuộc tranh luận kéo dài bất tận đã được đưa lên trên hàng loạt các nền tảng và mạng xã hội khác để quyết định xem đâu là đất thánh mới để thay thế cho Tumblr. Twitter? Dù vẫn nổi tiếng vì thoáng với sex và khiêu dâm, Twitter vẫn chưa bao giờ được xem là một nơi chốn lý tưởng để thưởng thức thế giới theo phong cách ngầm của cộng đồng những kẻ introvert. Twitter là một nền tảng quá nặng về phát ngôn và phụ thuộc chủ yếu vào ngôn từ và tính xã hội của nó. Twitter thích hợp hơn cho các chính trị gia, những kẻ thị phi, mê chém gió, Twitter dành cho những kẻ hướng ngoại thay vì Tumblr là một nơi dành cho những người hướng nội. Dĩ nhiên, về mặt ngắn hạn, cuộc di cư từ Tumblr sang Twitter có thể giúp đỡ những người quý mến nhau ở Tumblr còn giữ được kết nối phần nào, nhưng Twitter chắc hẳn sẽ không thể nào là một vùng đất thánh mới để thay thế cho Tumblr được. Twitter quá “xanh”, quá sáng sủa, quá sạch sẽ. 

Những trang web chuyên trị nội dung về Porn, như Pornhub, cũng là những cái tên được nhắc đến rất nhiều giữa cuộc đại di cư này. Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ phát triển, thì lẽ dĩ nhiên, những nền tảng thuần video như Pornhub hay Xvideos đương nhiên vẫn có thể đáp ứng được những nhu cầu kết nối cơ bản của một mạng xã hội thông dụng. Nhưng liệu có phải những người trước nay dùng Tumblr để thưởng thức nội dung khiêu dâm chưa từng biết đến những trang này? Họ biết chứ, nhưng họ cũng thừa biết họ không sử dụng nó như một công cụ kết nối để chia sẻ porn đơn giản là vì những trang web đó quá “thuần chất”. Vẻ đẹp lộng lẫy của Tumblr chính là sự ẩn mình, sự hiển lộ dù có thật nhưng lúc nào cũng được che đậy đằng sau lớp áo choàng mỏng của sự ý nhị. Nói một cách cơ bản, Tumblr trước nay là một nền tảng tinh tế, nó đặc sệt chất kích thích nhưng lúc nào cũng được bao phủ cẩn thận bởi một bức bình phong lịch sự. Cái hay của Tumblr là dù nội dung khiêu dâm có tràn ngập đến mức nào, trong một giới hạn nào đó, chúng ta vẫn có những thứ khác để thưởng thức song hành trên Tumblr. Đó là những câu quote, những visual đẹp, nhưng câu chuyện hài hước, những trending trẻ con nhưng đáng yêu, những mẩu đời nhân văn. Tumblr là nơi hoà trộn tuyệt diệu của porn vào đời sống, biến porn thành một thứ như-nó-vốn-là, chứ không phải tách riêng porn thành một thứ thần thánh hoặc đặc thù quá mức đến nỗi phải ở riêng trên một platform dành riêng cho nó. Nói đơn giản, trong khi các nền tảng chứa porn khác đang cố gắng tách porn ra khỏi xã hội, thì Tumblr đã làm điều ngược lại, nỗ lực hàn gắn những thế giới tách biệt thành một thể thống nhất hoà bình. Chúng ta hãy nhớ lại những gì David Karp đã từng nói, rằng anh không muốn kẻ nên ranh giới giữa porn và mọi thứ khác. Porn ở đây là một thực thể thuộc về mọi thứ, chứ không nằm ngoài mọi thứ.

Hàng loạt các mạng xã hội nhỏ mọc lên được nêu tên để thay thế Tumblr (chắc không cần phải kể ra đây), nhưng chiếc cầu mà Tumblr đã xây dựng nên để kết nối porn đã sụp đổ và một huyền thoại cũng lụi tàn theo, chúng ta sẽ rất khó để có thể tìm kiếm lại một con đường nào khác thay thế. Rất có thể, Tumblr vẫn sống, và trong tương lai chúng ta sẽ còn bắt gặp một vệ thần nào khác thay thế Tumblr để thực hiện sứ mệnh hàn gắn giữa porn và phần còn lại của thế giới, nhưng khi đó là khi nào, không ai biết được. Điều duy nhất mà chúng ta cần làm, là chờ đợi, hy vọng, tìm kiếm, và mong rằng một ngày nào đó sa mạc sẽ nở hoa, như Tumblr từng vươn mình lên từ một ý tưởng nhỏ nhoi, trong đầu của một chàng trai trẻ 21 tuổi David Karp vào cách đây 11 năm.

Và như thế, dẫu những chú chim di cư từ Tumblr có đi đâu chăng nữa, Twitter, hay Blogger, hay WordPress, hay Reddit, thì sâu trong tâm khảm của mỗi người, chúng ta sẽ vẫn luôn nhớ rằng đã từng có một Tumblr đẹp đẽ và lung linh như một mecca và một eden ngọt ngào đến thế. Thời gian đã đổi thay, tất cả chúng ta rồi sẽ chia tay nhau, nhưng những gì mà Tumblr để lại trong lòng mỗi người, những gì Tumblr thay đổi, những gì Tumblr đã đóng góp vào chúng ta hôm nay, sẽ mãi mãi là một di sản xứng đáng được gọi là lịch sử.

P/S: Thôi thì, “Bức tranh vân cẩu treo rồi xé/Mấy cuộc tang thương xếp lại bày”. Hẹn gặp lại ở một nơi nào khác, nhỉ?

13,605 Comments

Leave a Reply to Bitcoin today Cancel reply

Your email address will not be published.