Điện ảnh

Về cảnh chơi Mạt Chược trong Crazy Rich Asians

Mỗi lần coi phim Hoa ngữ thấy người ta đánh Mạt Chược đều nảy lên khao khát học đánh Mạt Chược và tìm người chơi Mạt Chược cùng, xong lọ mọ lên mạng tìm đọc luật chơi một hồi mặt mũi tối sầm không biết đâu mà lần thôi không đọc nữa. Tóm lại là board game chi mà luật chơi làm gì mà phức tạp quá vậy, chỉ khổ thân cái đứa thích bài bạc nhưng không thích social như mình tối ngày toàn tự đánh với máy nhưng mà không rành luật chơi nên chơi mãi không giỏi được )

Cảnh chơi Mạt Chược là một cảnh rất quan trọng trong Crazy Rich Asians, cái này thì chắc bạn nào xem phim rồi thì cũng biết rồi ha, nhưng cũng nên giải thích lại một chút (chú ý spoiler) là Mạt Chược chính là một phương tiện mà bạn nữ chính dùng để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của mình cho nhân vật người mẹ, để khẳng định lại rồi “toy không phải dạng vừa đâu” và “hạnh phúc vĩnh viễn mà sau này bà có được, chính là nhờ toy”. Chính vì vậy mà sau cuộc cờ này gió mới xoay chiều, a he he.

Nhưng mà trong tiểu thuyết gốc thì thực ra không có cảnh chơi Mạt Chược này. Cảnh này nghe đâu được bỏ vô là một cách tribute tới The Joy Luck Club (1993 – Phúc Lạc Hội), bộ phim được làm ra cách đây 1̶̶5̶ ̶n̶̶ă̶̶m̶ 25 năm. Cùng với The Joy Luck Club thì Crazy Rich Asians là tác phẩm hiếm hoi được thực hiện bởi một hãng phim lớn của Hollywood với dàn cast toàn là người Mỹ gốc Á. Nhưng còn có một nguyên nhân khác mà cảnh Mạt Chược này được đưa vào, đó là Dương Tử Quỳnh, người thủ vai “mẹ cọp” Eleanor Young, ban đầu không chịu nhận vai này do thấy nhân vật của mình có phần “hèn” và thiếu chiều sâu quá. Nên việc đưa cảnh Mạt Chược này vào cũng là một cách để “cứu chuộc” cho nhân vật và giúp nhân vật quay đầu, tạo nên một hình ảnh đẹp và happy ending hơn cho Crazy Rich Asians cũng như cho chính nhân vật Eleanor Young.

Mặc dù là một cảnh phim “cộng thêm”, nhưng việc dàn dựng và biên kịch của cảnh quay này đã chuyển tải được rất nhiều “thâm ý” của đạo diễn trong mối quan hệ của Rachel và “mẹ chồng tương lai”. Ngay từ những phút đầu tiên khi Eleanor bước vào bàn chơi Mạt Chược, bà đã được Rachel chừa chỗ cho ngồi “cửa Đông”. Cần phải biết bàn chơi Mạt Chược thường được chia ra làm 4 cửa “Đông, Tây, Nam, Bắc” và người ngồi ở vị trí cửa Đông được xem là “nhà cái” và có khả năng nắm quyền kiểm soát rất nhiều trong ván chơi. Trong khi đó, Rachel ngồi ở vị trí đối diện, là cửa Tây, và là một “nhà con”. Việc nhường vị trí cửa Đông cho Eleanor là một cách để Rachel đang show off cho thấy cô đang “nhường” cho Eleanor, ngoài ra, Đông và Tây cũng là hai thái cực cho thấy Eleanor đang đại diện cho những giá trị truyền thống của châu Á (phương Đông), và Rachel là đại diện cho những giá trị của phương Tây.

Ngay khi bắt đầu chơi, sẽ có thể thấy rõ Eleanor đang thực hiện chiến lược tìm kiếm cho mình những bộ “phỗng” (pong), tức là kết hợp những con bài có quân “giống nhau” lại với nhau (Tương tự như chơi bài Phỏm, thì “phỗng” là việc kết hợp các con đồng chất – ví dụ như 3 con chất rô, 3 con chất cơ… thì là 1 phỏm – Troong Mạt Chược thì phỏm được gọi là phu. Có hai loại Phu: Phu phỗng là kết hợp các con giống nhau về cả chất và số – Phu Phình là kết hợp các con đồng chất và có số liên tiếp. Phỗng khó kiếm hơn Phình nhưng được ưu tiên ăn trước Phình trong trường hợp có hai người cùng muốn ăn 1 con). Điều này ẩn dụ tới việc Eleanor là người rất coi trọng sự giống nhau, đồng nhất về mặt văn hóa, chung một nhà. Và nó được thể hiện qua phần thoại dẫn một câu thành ngữ của người Phúc Kiến của Eleanor về việc “our kind of people” khi trả lời cho Rachel biết là bà không coi Rachel là “our kind of people”, nên đó là lý do bà từ chối Rachel.

Sau đó, một số cảnh quay cho thấy những quân Sách đang nằm trên bàn. Quân Sách được biểu thị bằng những thanh tre, thanh trúc nên tiếng Anh gọi quân này là quân Bamboo, còn tiếng Trung thì gọi là quân Trúc (hoặc Tre?). Việc loại bỏ quân Sách và cho nằm rải rác trên bàn bên cạnh những quân Đông & Tây là một cách liên hệ đến hình ảnh của Rachel trong mắt Eleanor: Tây không ra Tây, ta không ra ta. Cần nhớ rằng người Quảng Đông thường có một thuật ngữ để gọi những người Mỹ gốc Á là 竹升 (jook-sing), nghĩa là “trúc rỗng”. Từ này tương đương với từ “banana” với hình ảnh ẩn dụ da thì vàng nhưng ruột thì trắng. Ý cho thấy bề ngoài thì châu Á nhưng bên trong đã lai căng, mất gốc, không còn miếng Á nào, rất “rỗng”. Cho nên quân Sách (Trúc) đại diện cho Rachel là vì vậy.

Sau đó, trong lúc tiết lộ về việc Nick Young đã cầu hôn mình, Rachel rút lên được một con “Bát Sách” (An eight of Bamboo). Tại sao lại là con Bát? Có lẽ vì số 8 là số rất quan trọng trong văn hóa của người Á Đông (chắc khỏi lý giải tại sao nhỉ). Và con Bát Sách này cũng sẽ là con cờ giúp Rachel thắng trước Eleanor. Tuy nhiên, sau một thoáng suy tính, Rachel biết được đây cũng chính là con mà Eleanor cần để thắng (nên nhớ, Rachel là giáo sư lý thuyết trò chơi – điều này đã được giới thiệu trong cảnh đầu tiên Rachel xuất hiện trong phim). Cùng với việc khẳng định rằng “hạnh phúc sau này của Eleanor và Nick” phụ thuộc vào chính sự “rời bỏ” của mình, Rachel đã quăng xuống bàn con Bát Sách – để cho Eleanor lấy lên và “Ù”. Sau đó, trước khi rời đi, Rachel lật bài và cho thấy thực ra cô đã Ù trước Eleanor, và Eleanor được ù ván này chính là nhờ Rachel đã “folds a winning hand” – theo cách nói của Eleanor khi bà nghe về việc Rachel đã turn down lời cầu hôn của Nick.

Phần lý giải này mình có tham khảo từ Vox & thấy đúng là nó phản ánh rất nhiều về lối chơi và đòn tâm lý của của Rachel đối với Eleanor, và mặc dù nó hơi “mean”, nhưng vẫn cho thấy Rachel là một người thông minh và cách kể chuyện của đạo diễn có cài cắm hẳn hoi chứ không phải thêm bớt vô tội vạ để phá nát nguyên tác.

Nói chung, phim này thì ngon lành khỏi nói rồi, vì mình rất thích Singapore mặc dù chất Singapore trong phim khá ít (chắc chỉ được tầm 30% là cùng), nam chính thì diễn hơi dở (mà nghe đâu nhà sản xuất với đạo diễn phải thuyết phục năn nỉ 80 lần ảnh mới chịu đóng đó chời), cảnh phim cũng chưa thực sự đã mắt nhưng cảm xúc càng về cuối thì càng rất cô đọng. Tuy nhiên, phim này nếu mạch dựng và nhịp điệu cũng như tiết tấu được đẩy lên chút nữa thì hay, nhiều đoạn bị rải quá nên coi cảm giác hơi oải và lê thê.

Bật mí thêm là, nếu suy luận theo tính chất bắc cầu, thì Crazy Rich Asians không phải được chuyển thể từ sách đâu mà là được chuyển thể từ một… bài thơ đó. Tác giả gốc đã viết ra một bài thơ, sau đó mới chuyển thể thành truyện ngắn rồi hứng quá mới trây luôn thành tiểu thuyết rồi sau đó mới được mua lại để làm phim. Ghê hăm, người ta từ 1 bài thơ thôi mà có thể làm thành hẳn cả chiếc phim doanh thu 200 triệu đô (bằng giá trị bất động sản của ngôi nhà của người bà trong phim đó nha).

16,524 Comments