Điện ảnh

Vu quy đại náo vs Hai Phượng: Lỏng quá tay và gồng quá mức

Về Vu Quy đại náo: Thả lỏng quá tay…

Cũng như nhiều người, với mình Vu Quy đại náo là một bộ phim vượt trên kỳ vọng. Căn bản là do ban đầu xem trailer phim này thấy lởm quá. Cả cái phim có một cảnh ớn nhất cũ nhất xàm nhất chẳng hài hước chút nào nhất là đoạn Việt Hương đứng uốn éo trước mấy bạn trẻ khi vừa trồi từ dưới sông lên rồi cả đám nôn thốc nôn tháo, mà lại được đưa vào trailer. Đoạn này, cũng tương tự như một vài đoạn khác của VQDN, khiến mình có cảm giác như thỉnh thoảng trong lúc làm phim, ê-kíp (là đạo diễn, biên kịch hoặc có thể là cả nhà sản xuất) đã buông lỏng đường dây đến mức suýt để bộ phim rơi thẳng vào thảm họa, nhưng may quá, mấy cảnh này qua mau và ít nhiều còn được neo lại bởi nhịp điệu và kích tính vừa phải của tổng thể, khiến tác phẩm tạo ra một cảm giác xem phim rất dễ chịu và đáng để enjoy, dù xét về gu thì đây vẫn là phim bình dân với cách dàn dựng đôi khi hơi bị ước lệ, sơ sài hoặc quá… truyền hình, nhưng xét về mức hy vọng mình đặt ra cho tác phẩm này ban đầu thì VQDN khá ổn.

Về Ngọc Trinh, mình đã đánh giá Trinh là một gương mặt có tố chất diễn xuất ngay từ vài phút đầu xem Trinh diễn trong bộ phim của đời cổ – Vòng eo 56 – chứ không cần phải đến phim này. Ở phim này, Trinh diễn vẫn ổn, tự nhiên, tươi tỉnh, ngồn ngộn sức sống dù vẫn chưa cải thiện được nhiều về mặt kỹ thuật. So với một Diệu Nhi ồn ào và dày dặn kinh nghiệm cũng như một La Thành cũng từng có thâm niên nhiều năm trên sân khấu, Trinh diễn yếu hơn hẳn, nhưng có lẽ nhờ vậy mà Trinh rất khớp so với tổng thể và bộ ba (hoặc bộ 4) chứ không bị trội ra ngoài. Nếu Trinh đã đẹp, đã xinh, diễn tốt mà kỹ thuật là ổn nữa thì ai đọ cho lại, nhỉ? Diệu Nhi và La Thành diễn ngon lành, Diệu Nhi không bị quá ồn ào (ơn trời), ít ra thì vẫn đỡ ồn ào so với một vài nhân vật khác. Hồ Vĩnh Anh diễn hơi… ớn, khâu lồng tiếng của bạn này cũng có vấn đề, nói chung đây là một nhân vật hay, nhưng bị uổng vì làm chưa tới và nắn diễn chưa tốt.

Nếu ví Vu quy đại náo như một món ăn, thì đó là một món ăn ngon lành trong bữa nhậu đậm màu bình dân, ai cũng thích và phù hợp với nhiều loại người (trừ những ai quá khó tính hoặc không thích hài bình dân), nhưng đáng tiếc là món ăn này lại có một số phần “râu ria” không dùng được và đáng lẽ ra nên được cắt gọt mạnh tay hơn. Việc thả lỏng kịch bản và kết cấu quá đã khiến bộ phim trở thành một sản phẩm “hơi lai” giữa điện ảnh và truyền hình lẫn sân khấu chứ không có được chất điện ảnh thuần túy, trong khi VQDN thực sự đã có được một cái tứ rất ổn và rất nhiều lớp lang để khai thác như một bộ phim xuất sắc cũng như cảm động pha trộn với hài hước thực sự. Nói chung xét về tầm nhìn xa thì đạo diễn Lê Thiện Viễn đã có thể tự hào về sản phẩm đầu tay của mình để có thể bước tiếp những dự án tiếp theo, nhưng nếu được hãy khó tính với kịch bản thêm một chút và hãy “gồng” thêm một chút thì có lẽ dư âm để lại sẽ đáng nhớ hơn nhiều.

Về Hai Phượng: Và gồng quá mức

Nếu VQDN là một bộ phim đôi khi bị buông lơi và lạc lối trong cách dàn dựng, thì với Hai Phượng, đây lại là một trường hợp ngược lại. Hai Phượng cũng như nhiều phim khác mà Ngô Thanh Vân từng làm sản xuất: gồng quá sức. Cả bộ phim là một sự “cương cứng” đến khổ ải của chính Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt. Lê Văn Kiệt là người từng làm một bộ phim “gồng muốn gãy” cũng do NTV đóng chính là Ngôi nhà trong hẻm – một phim đáng quên. Tác phẩm sau đó của anh có tên “Dịu dàng” cũng gồng và dụng công không kém – nhưng Dịu dàng là một trường hợp nền gồng, một bộ phim đậm màu triết lý và những toan tính ẩn dụ từ kịch bản cho đến nhân vật. Trong khi Hai Phượng đáng lẽ ra phải là một tác phẩm nên “lỏng” hơn, nên ngồn ngộn chất sống hơn và nên đời hơn chứ không nên cố gắng nhét quá nhiều thông điệp vào một tổng thể với chất dụng công đậm đặc như thế. Đơn cử như cảnh anh cảnh sát tên Lương đến tìm gã giang hồ quy ẩn tên Trực và nói chuyện xe Wave, Suzuki và chuyện săn hổ, nó khiến cho mạch phim đáng lẽ nên chảy một cách mượt mà và thú vị hơn bỗng nhiên bị khựng lại một cách kỳ quặc không cần thiết. Dẫu biết đạo diễn và biên kịch đã cố tình nhét vào miệng bạn “cảnh sát quèn” câu nói “Là sao trời” trước khi bỏ đi như một cách châm biếm vui vì sự “triết lý” của cả hai nhân vật còn lại, nó vẫn không làm tan đi được cái lợn cợn trong mình về việc liệu có cần thiết phải “gồng” và nhét chữ vào miệng nhân vật như vậy không, trong khi tác phẩm này đáng lẽ ra chỉ cần là một tác phẩm đơn tuyến nhưng xử lý tốt nhịp điệu là được.

“Chê bai” là vậy, nhưng cá nhân mình vẫn đánh giá Hai Phượng là một phim tốt. Nó không chỉ tốt riêng về mặt hành động mà cả kịch bản cũng thuộc loại khá. Nhiều bạn trên Facebook mình chê plot Hai Phượng “dỏm” nhưng mình thấy nó không “dỏm”, từ cách kể chuyện cho đến lối sắp xếp tình tiết sao cho dung hòa được nhiều yêu cầu đều được hoàn thiện ở mức tốt. Cái khiến cho tổng thể của Hai Phượng bị níu xuống chính là việc căng cứng quá mức của ê-kíp, như một áp lực của việc phải tạo nên một bộ phim nhiều lớp lang trật tự và giữ vững concept độc đáo. Từ cách tạo hình, trang phục, sử dụng đạo cụ cho đến cách lên màu của Hai Phượng đều “gồng” như cái cách mà nhân vật Hai Phượng dạy con trong phim. Và biết gì không, thứ gồng nhất trong phim chính là mấy câu triết lý mà Hai Phượng nói cho con mình nghe đó. Giá như Ngô Thanh Vân, hay Lê Văn Kiệt, chỉ cần bớt một chút, một chút thôi, sự dụng công quá mạnh tay lại trong mọi thứ và để cho bộ phim trở nên “đời hơn”, thì Hai Phượng đã “nuột” hơn nhiều.

Mà mình biết là nhiều bạn rất thích Hai Phượng, nên những ngày qua đã tung hê nó quá đà: phim hay nhất, niềm tự hào điện ảnh Việt, hành động tuyệt vời nhất… v.v… Nếu đã thích thì khen cũng không sai, nhưng với một tác phẩm như Hai Phượng, nhất là khi nó chưa hoàn hảo, không nên được tung hê quá đà như vậy, bởi nó sẽ dễ gây tác dụng ngược và góp phần đẩy kỳ vọng của những người chưa xem lên cao. Và bạn biết rồi đó, một khi kỳ vọng quá cao thì có khi thực tế lại không đáp ứng được mức đó, nó sẽ tạo ra phản ứng trái chiều và có những người sẽ có cảm giác như mình bị… lừa gạt, và quay lại chửi. Căn bản thì, khen quá tay hay chê quá tay đều là những chuyện không nên trong nghệ thuật.

Xét về phim do Ngô Thanh Vân “làm sản xuất”, mình đánh giá: Song Lang > Hai Phượng > Cô ba Sài Gòn > Tấm Cám: Chuyện chưa kể > Về quê ăn Tết > Ngày nảy ngày nay.

Xét về phim do Lê Văn Kiệt đạo diễn, mình đánh giá: Dịu dàng > Hai Phượng > Ngôi nhà trong hẻm (Có “Bẫy cấp 3” bị cấm chiếu và “Bụi đời” chưa xem.

4,619 Comments

Leave a Reply to Nengapoth Cancel reply

Your email address will not be published.