Điện ảnh

Về Trạng Quỳnh & Cua lại vợ bầu – Phim Tết 2019

Phải đợi đúng 7 ngày sau khi phim chiếu mới dám viết review ngắn cho cả hai, không phải vì mình sẽ chê nhiều hơn khen, cũng không phải vì sợ đụng chạm, mà căn bản mình nghĩ rằng có những thứ trên đời nên chậm lại một nhịp, hấp tấp quá nhiều khi cũng không hay.

Nhìn chung cả hai phim đều có những điểm tốt và những điểm chưa tốt, dù nói thẳng một cách khách quan: Mình không thích cả hai. Tuy vậy, mình vẫn thấy rằng cả CLVB lẫn TQ đều là hai case study nên có trong hành trình phát triển của điện ảnh Việt, dù có thể chưa thực sự đúng hướng, nhưng không phải là không có nỗ lực. Nói ngắn gọn, ai thấy ủng hộ được thì nên ủng hộ, ai thấy phim Việt (hay 2 phim này) chưa xứng đáng được ủng hộ thì có thể im lặng, không nên châm dầu vào lửa làm gì.

Dù sao đi nữa thì cũng chúc mừng cả hai phim, đến thời điểm hiện tại, đã có được kha khá doanh thu, đủ huề vốn và có chút đỉnh động lực cho các dự án sau rồi ha.

Về Trạng Quỳnh: Việc khai thác câu chuyện Trạng Quỳnh, với mình thì đây là một cố gắng đáng nể của đạo diễn Đức Thịnh nói riêng và Thiên Phúc nói chung. Thiên Phúc là một đơn vị sản xuất phim rất cố gắng đầu tư về mặt ý tưởng và luôn làm mới cũng như mở rộng đề tài, từ gia đình, tình yêu, hài hước, quân đội cho đến tích cổ dân gian. Chỉ mới trong vòng 4 năm mà Thiên Phúc đã đóng góp cho nền điện ảnh Việt tròm trèm 7 bộ phim (Chờ em đến ngày mai, Taxi em tên gì, Ma dai, Sứ mệnh trái tim, Mỹ nhân già gân và găng tơ, Siêu sao siêu ngố, Trạng Quỳnh). Trong số đó, Đức Thịnh xuất hiện trong vai trò đạo diễn đến 6 bộ phim.

Đạo diễn Đức Thịnh có được nền tảng nghệ thuật và chuyên môn về diễn xuất rất vững chắc nhờ quãng thời gian lăn lộn nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực sân khấu. Điều này phần nào giúp anh có được tư duy về lối kể chuyện rất phù hợp thị hiếu đại chúng, có tiến có lùi, có hài có bi, có nhấn nhá trong cách xây dựng kịch bản lẫn cách dẫn dắt cảm xúc người xem. Tuy nhiên, có lẽ cũng chính vì xuất thân từ sân khấu nên đôi khi trong số những bộ phim mà Đức Thịnh làm ra, anh thỉnh thoảng vẫn chưa “thoát” khỏi được cảm giác kịch, mà nặng nhất trong số đó là tính ước lệ của các tình tiết và diễn biến, và điều này phần nào đã làm cho các tác phẩm điện ảnh của anh dễ bị mất đi tính điện ảnh và hiện thực mà đáng lẽ ra nó nên có.

Trạng Quỳnh là một bộ phim có concept tốt, có ý tưởng lạc quan về việc sử dụng một nhân vật nổi tiếng trào phúng và thích chơi khăm của Việt Nam để đưa lên màn ảnh trong dịp ngày Tết. Đây là một nhân vật có rất nhiều chất liệu để lẫy ra nhờ vào một kho tàng truyện kể về Trạng Quỳnh mà rất nhiều người đã biết. Nhưng cái khó của việc làm phim về Trạng Quỳnh là làm sao để có thể xâu kết được tất cả những mẩu truyện ngắn ấy lại thành một bức tranh lớn và trở thành một câu chuyện dài 90 phút có đầu có đuôi. Dạng phim về Trạng Quỳnh, như mình đã tiên đoán khi nghe về dự án này khi nó được khởi sự, rất dễ trở thành một bộ phim có màu sắc tốt và rực rỡ nhưng lại vụn vặt và mang cảm giác chắp vá, đó là chưa kể còn gặp áp lực từ việc phải làm sao để tránh được làn sóng chỉ trích của khán giả để từ việc biến tấu và thay đổi câu chuyện của nhân vật. Người Việt Nam mình (thật ra người ở đâu cũng vậy) vốn rất xét nét khi xem đến phim làm về đề tài lịch sử, nhân vật ấy mà.

Nói về điểm mình thích ở Trạng Quỳnh, thì có lẽ phần mình thích nhất chính là phần nhạc phim, nhất là đoạn nhạc hát về Trạng Quỳnh ở giữa phim do Viết Nguyễn thể hiện. Bài hát này đúng là một “cực phẩm” và nó đã làm sáng bừng không khí của tác phẩm khi vang lên vào lúc Trạng Quỳnh chuẩn bị đi thi. Về hình ảnh, cá nhân mình nghĩ cảnh quay trong Trạng Quỳnh chưa thực sự xuất sắc nhưng cũng cho thấy nỗ lực tìm kiếm và lùng sục của đoàn phim trong việc tìm kiếm bối cảnh cho Trạng Quỳnh. Hơi tiếc là những cảnh trong cung lại mang quá đậm màu sắc ước lệ thành ra có những chỗ xem thấy rất đẹp, rất “high” nhưng một vài chỗ lại thấy hơi thường.

Về diễn xuất, mình nghĩ Yoon Trần (Trần Quốc Anh) là một diễn viên có tiềm năng. Tuy vậy, có lẽ vì còn quá non nghề trong diễn xuất hoặc do những áp lực vô hình khác, hoặc cũng có thể do kịch bản, mà Yoon Trần chưa thể được hết cái sự thông minh thiên phú, chính trực nhưng cũng rất “lầy lội” của nhân vật Trạng Quỳnh. Có thể nếu Yoon Trần có nhiều thời gian hơn để học và cảm kịch bản cũng như nhân vật thì phần thể hiện của anh sẽ tròn trịa hơn rất nhiều. Đó là chưa kể việc lựa chọn để cho một diễn viên khác là Đức Thịnh (không phải Đức Thịnh đạo diễn) lồng tiếng cho nhân vật Trạng Quỳnh thay vì để Yoon Trần tự dùng thoại của bản thân cũng phần nào khiến mình cảm thấy mất cảm tình đôi chút với tổng thể, dù mình hiểu rằng có thể do ê-kíp muốn để Trạng Quỳnh có giọng miền Nam nên mới lựa chọn như vậy nhưng điều đó vẫn khiến mình có chút lấn cấn.

Với các tuyến nhân vật khác, vai người cha của Tùng Yuki đang bị gồng rất mệt. Anh Tùng Yuki chắc chỉ nên đóng vai ông bố hiện đại thôi chứ đừng bắt ảnh đóng vai cổ trang làm gì, khổ lắm. Nhã Phương diễn không tệ, dĩ nhiên, nhưng nhân vật của Nhã Phương là Điềm cũng được xây dựng chưa tới thành ra cá tính bị rất “nửa nạc nửa mỡ”, mạnh mẽ cũng không hẳn mà bánh bèo cũng chưa hẳn. Điềm đáng lẽ ra nên là một cô gái thông minh, sắc sảo và có sự chủ động hơn trong toàn bộ tuyến phim thay vì chỉ nương theo tình tiết và bị cuốn trôi như hiện tại. Nhân vật của Trấn Thành là một nhân vật gây hài đúng nghĩa, không có gì đáng bàn, nhưng bản thân nhân vật này cũng bị tình trạng: 50/50, tức ngốc không hẳn là ngốc, mà khôn cũng không hẳn là khôn. Nếu ngốc và khờ thì nên như vậy hẳn, để lại phần thông minh cho Trạng Quỳnh thể hiện, để tránh dẫm chân, còn nếu là dạng nhân vật thông minh ngầm thì cách build nhân vật phải khác. Một nhân vật khác cũng khiến mình thấy tiếc là Công Dương. Bạn này có ngoại hình tốt, diễn xuất cũng không phải tệ, nhưng nhân vật trong phim của bản hơi củ chuối nên thành ra cả phim không bật lên được nét gì đáng nhớ ngoài việc là nhân vật phản diện đối trọng của Trạng Quỳnh.

Tóm lại thì mình thấy hơi tiếc vì đáng lẽ ra Trạng Quỳnh là một nhân vật có thể tạo ra được một bộ phim tốt và ấn tượng hơn nhiều. Có lẽ vì áp lực về thời gian cũng như áp lực việc cân bằng các yếu tố hài, hút khách với những yếu tố về văn hóa mà ê-kíp làm phim của Đức Thịnh có hơi… lạc lối. Tổng thể bộ phim khiến mình có cảm giác là những mảnh ghép được chắp vá chưa kỹ hoặc bị cắt xén quá tay dẫn đến việc câu chuyện không liền mạch và tính luân chuyển cảm xúc chưa được mượt mà. Xem phim, đôi lúc mình cứ nghĩ không biết có phải do khi quay đạo diễn đã quay quá nhiều cảnh để kể chuyện nhưng rốt cuộc vì không có nhiều thời lượng cho phim nên đã phải cắt bớt quá tay thành ra cảm xúc cứ bị hẫng một bậc không. Cũng chính vì vậy mà dù phim không quá dài, nhưng một số đoạn lại khiến mình có cảm giác hơi lê thê, và nhiều chi tiết đáng lẽ ra nên được “nhấn nhá” cho chính xác và trọng tâm trong phim thì lại bị bỏ quên, như đoạn Trạng Quỳnh đáp lại vế đối “Da trắng vỗ bị bạch” của Điềm đáng lẽ nên được xử lý chậm rãi, tinh tế hơn thì ở đây lại mang cho mình cảm giác “làm cho xong”. Với một chi tiết “giải khóa” và khép lại câu chuyện mà lại như vậy thì đáng tiếc quá (Chắc phải có đến 90% khán giả không nghe câu Quỳnh đối lại Điếm là cái giống gì)

Phim của Đức Thịnh nói riêng, mình đánh giá Sứ mệnh trái tim cao nhất (điện ảnh nhất, mang hơi thở đời sống tốt nhất và ít tính ước lệ nhất), sau đó là Ma dai = Taxi, em tên gì?, rồi sau đó là Trạng Quỳnh = Siêu sao siêu ngố = Mỹ nhân, giá gân & găng tơ.

Về Cua lại vợ bầu: Khác với Trạng Quỳnh là một phim dân gian mang tính hài hước, vui tươi, bộ phim đối trọng – Cua lại vợ bầu lại là một tác phẩm hiện đại mang màu sắc lai tạo giữa melodrama và rom-com. Phim có câu chuyện rất đậm tính “Hàn”, như các phim khác của đạo diễn Nhất Trung (49 ngày 1 & 2), nhưng không bị quá nặng nề về mặt nước mắt mà vẫn có những giây phút vui vẻ, dễ thương, tạo được cho khán giả tiếng cười. Khác với Đức Thịnh, Nhất Trung cũng là một đạo diễn “chuyển nghề” từ một sân chơi khác nhưng không phải là sân khấu mà là ca nhạc. Nhất Trung bắt đầu làm phim từ tận 2011 với Hoán đổi thân xác (một bộ phim… đáng quên?) nhưng tính đến nay thì Cua lại vợ bầu chỉ mới là bộ phim thứ tư anh giữ vai trò đạo diễn. Nhất Trung là một người làm phim có vẻ khá cân bằng giữa hai vai trò đạo diễn/sản xuất khi số phim mà anh tham gia sản xuất, biên kịch cũng tương đương với số phim mà anh làm đạo diễn (Nắng 1 & 2, Bệnh viện ma, Hoán đổi).

Cảm giác của mình khi coi Cua lại vợ bầu là mạch phim được xử lý rất khá, dù câu chuyện ở nửa sau có phần hơi loanh quanh và lộn tới lộn lui khiến mình thấy hơi nản và chỉ mong phim hết cho sớm sớm (giống cảm giác coi Trạng Quỳnh) dù tổng thời lượng của phim chỉ ở đâu đó ở tầm khoảng 90-100 phút. Đây là tác phẩm có ý tưởng và concept có thể được phát triển và phân tuyến mạnh hơn, nhiều hơn, xử lý tầng lớp kịch bản dày hơn nhưng hơi tiếc là ê-kíp đã lựa chọn cách xử lý nó một cách khá đơn giản và tập trung (một lần nữa, như nhiều phim khác, đây có thể là là do áp lực về thời gian, nhân lực cũng như việc bản thân CLVB là một bộ phim Tết). Nói chung phim làm hơi an toàn và thiếu đột phá, các tình huống và phần thoại duyên dáng và có nỗ lực trong việc chinh phục cảm xúc khán giả nhưng không xuất sắc đến mức khiến người ta nhớ lâu và cũng chưa đủ mạnh để trở thành một case study khiến người ta nhắc hoài về sau. Tiếc tiếc tiếc tiếc!

Mình luôn đánh giá cao Lan Ngọc, Lan Ngọc là một dạng “ngọc nữ của điện ảnh Việt” có tài, khiêm nhường và rất chịu khó đào sâu cho nhân vật của mình. Năng lượng của Lan Ngọc ở phim này, như nhiều phim khác của cô, đã làm tỏa sáng cả toàn bộ mạch phim. Nhưng cái hay của Lan Ngọc là dù nhập vai rất hoàn hảo, hiếm khi nào người ta thấy Lan Ngọc trở nên lấn át các nhân vật khác. Nữ diễn viên này rất biết cách hòa nhập vào tổng thể trong khi khiến bản thân mình nổi bật một cách vừa phải.

Trái ngược với Lan Ngọc, Trấn Thành cho mình cảm giác hơi gồng. Trấn Thành có lẽ là một nghệ sĩ đang gặp phải rất nhiều áp lực trong việc phải dẫn đầu ở showbiz nên bất cứ khi nào anh xuất hiện cũng khiến mình có cảm giác Trấn Thành đang phải căng lên quá mức. Có thêm thông tin việc Trấn Thành tham gia vào biên tập kịch bản của CLVB lại càng khiến mình ghi đậm thêm cảm giác ấy. Sự tự tin của Trấn Thành cho thấy anh có tài, nhưng mặt khác cũng cho thấy Trấn Thành là một nhân vật rất khó để hòa nhập vào một tổng thể, luôn có tiếng nói riêng của mình, luôn quyết liệt và luôn tạo cho người khác cảm giác là anh đúng. Và cũng vì thế mà thực sự mà nói, mình không thích hóa thân của Trấn Thành trong nhân vật Trọng Thoại này, và không thích cả Trọng Thoại.

Ngay từ đầu phim, Trọng Thoại của Cua lại vợ bầu đã tự nhận mình là một nhân vật “cương trực”, sẵn sàng đấu tranh vì công lý và lẽ phải. Nhưng từ đó cho đến xuyên suốt bộ phim, sự cương trực thì ít mà chủ yếu mình thấy vẫn chỉ là những tình tiết cho thấy Trọng Thoại là một nhân vật nhút nhát, chậm chạp (chứ không phải từ tốn) và ít dám cất lên tiếng nói của mình. Có thể chú ý của biên kịch (và người biên tập nhân vật cho chính mình – Trấn Thành) là xây dựng Trọng Thoại thành một người sẵn sàng nói lý lẽ với người ngoài nhưng lại dè dặt trong chuyện tình cảm, nhưng ngay cả như vậy cũng không đúng vì nhân vật Nhã Linh của Lan Ngọc vẫn thường thay than phiền là nhân vật Trọng Thoại đã cãi lý với cô quá nhiều cơ mà? Một nhân vật từ nhận mình là cương trực như Trọng Thoại đáng lẽ ra phải là một người gai góc hơn, sắt thép hơn và sẵn sàng đối diện với cả những khổ đau lẫn mất mát, chứ không nên là một nhân vật khù khờ và có phần hơi ngốc nghếch như cách mà Trọng Thoại thể hiện trong phim. Nói ngắn gọn là cá nhân mình cảm thấy cả tính cách lẫn chuyển biến tâm lý của nhân vật này rất không ổn và khó có thể lấy được tình cảm của mình trong xuyên suốt bộ phim.

Ngoài Trọng Thoại và Nhã Linh ra thì các nhân vật khác cũng đều vừa phải, không quá đặc sắc nhưng cũng chưa đến mức nhàm chán. Vai Tuấn của Mạc Văn Khoa ổn, “chọt” tốt, vai của Hồng Đào thú vị, giúp “tháo khóa” được kha khá tình tiết trong phim. Tuy nhiên, vai ông bố, bà mẹ của Hữu Châu & Lê Giang đáng lẽ ra có thể được xây dựng thú vị hơn thay vì vẫn cliché như nhiều nhân vật bố mẹ khác thông thường chỉ biết la hét, hoặc khóc lóc, hoặc khuyên can, an ủi, vỗ về. Nhân vật của Anh Tú cũng có nhiều tiềm năng có thể đẩy được xa hơn nhưng cũng chưa có được nhiều ánh sáng để thể hiện trong phim. Anh Tú diễn không tệ nhưng bạn này sẽ cần phải có nhiều đất diễn để thể hiện hơn. Đoạn nhân vật của Anh Tú khóc mình thấy rất đạt đấy chứ, đủ cho cảm xúc so với tổng thể của phim.

Nếu coi câu chuyện của Cua lại vợ bầu là hành trình chữa lành cho tình yêu úa màu sau 7 năm của Trọng Thoại – Nhã Linh thì hành trình này chỉ mới đi được… một phần ba, tức là chỉ mới chữa được một phần ba căn bệnh/thách thức/khó khăn mà chính nhân vật tự đặt ra lúc đầu thôi. Nhã Linh rõ ràng là đã từng càm ràm Trọng Thoại về 3 chuyện: sao mãi chỉ làm sửa xe (có thể coi là không có chí tiến thủ?), sao không cưới em và sao không chịu có con. Nhưng đến kết phim thì chỉ mới có một vấn đề duy nhất là “sao không chịu có con” được giải quyết còn hai vấn đề kia thì bị quăng cục lơ luôn. Câu hỏi của mình là liệu sau khi nối lại cuộc tình thì Trọng Thoại – Nhã Linh đến bao giờ sẽ chia tay lần nữa, và liệu nếu Nhã Linh tiếp tục gặp vấn đề về sức khỏe thì ai là người đứng ra lo cho cô gái này trong khi đứng giữa tai kiếp lớn nhất của đời người Nhã Linh thì Quý Khánh đã gánh hết cho Trọng Thoại rồi? Sẽ thế nào nếu cuộc đời phủ xuống khó khăn một lần nữa?

CLVB đã đặt ra vấn đề quan trọng và mang tính sống còn của hôn nhân nhưng lại giải quyết hơi dễ dãi bằng cách “xí xóa hiểu lầm”, điều này đã khiến cho bộ phim không được trọn vẹn một cách như ý. Một lần nữa, mình vẫn tin rằng nếu kịch bản câu chuyện được đào sâu thêm một lớp nữa và được gia cố cẩn thận hơn bằng những tình huống phức tạp và tròn trịa hơn thì câu chuyện sẽ có thể được tốt và hoàn hảo hơn nhiều.

Phim của Nhất Trung làm đạo diễn nói riêng, mình đánh giá CLVB ổn nhất, sau đó là 49 ngày > 49 ngày 2 > Hoán đổi thân xác.

#trangquynh #cualaivobau

4,593 Comments

Leave a Reply to ZakZed Cancel reply

Your email address will not be published.