Điện ảnh

Điện ảnh Việt cần có những phép thử?

Điện ảnh Việt xưa giờ phim chuyển thể không hiếm. Chuyển thể từ sách thì vô thiên lủng chắc không cần liệt kê ra ở đây hen? Việt hóa từ kịch bản gốc nước ngoài, cũng là một dạng chuyển thể, chắc cũng không cần kể lể nhiều luôn. Phim chuyển thể từ kịch thì có Quả tim máu, Thần tiên cũng nổi điên, Dạ cổ hoài lang, Xóm trọ 3D…, mỗi phim thành bại khác nhau. Đặc biệt còn có phim chuyển thể từ MV như Em gái mưa. Nhưng chưa bao giờ có phim chuyển thể từ Web Drama, dĩ nhiên rồi, vì Web Drama là trend mới nổi một vài năm gần đây, và thường thì khi không đủ tiền làm điện ảnh người ta mới nghĩ tới phương án làm Web Drama, nhưng có lẽ vì thành công quá vượt trội và bất ngờ của tác phẩm này trên mặt trận Digital, nhà sản xuất mới quyết định chơi lớn chuyển hẳn thành phim điện ảnh (Hoặc cũng có thể plan này đã có ngay từ đầu, who know?).

Cá nhân mình cho rằng đây sẽ là một case study khá thú vị cho điện ảnh Việt trong giai đoạn nửa cuối năm nay nửa đầu năm sau, và là một phép thử để biết được liệu “độ chênh” trong mức hào hứng của khán giả Việt dành cho một bộ phim “miễn phí” và một bộ phim “phải trả tiền” để xem khác nhau đến mức nào. Có thể nói, Thập Tam Muội là một trong những series Web Drama thành công nhất ở Việt Nam trong năm 2018 và cũng là thành công nhất từ trước đến nay với lượt xem trung bình lên đến 35-40 triệu lượt mỗi tập. Fan Thu Trang chắc không có nhu cầu cày views nhưng cứ cho là có một tỉ lệ duplicate nhất định nào đó thì bộ phim này ít ra cũng reach được tới khoảng 20-30 triệu người xem. Nếu chỉ cần khoảng 1/10 số người đã từng xem Thập tam muội quyết định đi xem Chị mười ba trên màn ảnh rộng thì khả năng thu về hơn trăm tỷ là không hề thấp. Tuy nhiên, tỉ lệ có lên đến được mức đó không sẽ vẫn là một câu hỏi mà có trời mới biết, nhà sản xuất thì hy vọng còn chúng ta thì chỉ biết lót dép ngồi hóng mà thôi, hehe. Nói chung, dù sao đi nữa thì mình vẫn mong là phim thành công, xét ở khía cạnh của một người luôn support điện ảnh Việt.

Thực ra, làm phim chuyển thể từ Web Drama có lẽ sẽ khó hơn nhiều so với việc chuyển thể từ các thể loại khác. Nếu phim chuyển thể từ sách là việc kể lại một câu chuyện bằng một hình thức khác, trí tưởng tượng khác, hệ quy chiếu khác, còn phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài thì thách thức lớn nhất là làm sao để có thể Việt hóa được một câu chuyện đã được kể thành công ở nền văn hóa khác. Những người làm nên tác phẩm gốc và những người tạo ra tác phẩm phái sinh là hoàn toàn khác nhau, nên ít nhiều thu hút được sự tò mò và quan tâm của các khán giả. Phim chuyển thể từ kịch thì khác, thường thì kịch và phim là hai trường phái khác nhau nhưng ít nhiều có sự tương đồng về mặt thể hiện nên ê-kíp sản xuất có thể sẽ có sự giao thoa, và thách thức lớn nhất của thể loại này là làm sao để có thể rũ bỏ được chất “sân khấu” vốn rất thường bị trộn lẫn trong một nền điện ảnh bị thị trường hóa hạng nặng như Việt Nam, và thường thì chỉ có việc đi tới cùng của ê-kíp và sẵn lòng rũ bỏ những cái đã có sẵn để xây dựng cái mới thì mới có thể tạo nên một tác phẩm thành công. Như Quả tim máu là một điển hình của việc chuyển thể thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn mặt giải trí, và bóng dáng của vở kịch nguyên mẫu hầu như rất ít trong đó, dù Thái Hòa cũng có tham gia trong tác phẩm này. Tuy nhiên, cả kịch và phim đều là hai trường phái nghệ thuật mà khán giả đều phải bỏ tiền ra mua, nó không phải “content miễn phí”, nên việc “convert” khán giả có lẽ vẫn còn khá dễ dàng hơn so với…

…chuyển thể từ MV hay web drama. MV thực ra lại là một câu chuyện khác và gần như trái ngược với web drama, dù cả hai đều có thành công nổi trội dựa trên số lượng xem thuộc hàng khủng trên digital, nơi mà mọi content đều miễn phí và bị cào bằng với nhau bằng con số 0 đồng. Dù vậy, bài toán của việc chuyển thể phim từ MV là bài toán của việc “nối dài” và triển khai nội dung, từ 5 phút cốt lõi để vẽ lên 90 phút của phim, và bài toán này có lẽ vẫn còn dễ hơn nhiều so với bài toán của việc chuyển thể web drama thành phim điện ảnh, bởi web drama có dung lượng dài hơn rất nhiều, lắm chi tiết và đã có có quá nhiều thứ để kể. Có một thách thức rất lớn là làm sao để có thể vừa chuốt lại nội dung, vừa viết mới, vừa kế thừa những gì đã quá thành công ở mặt trận digital, vừa tạo ra được sự mới mẻ, vừa có thể “nâng tầm” nó lên thành một content “siêu hay” so với tác phẩm gốc. Là bởi, nếu chúng ta có thể chỉ cần tốn 0 đồng để xem một tác phẩm điểm 8 thì tại sao lại phải bỏ ra 60.000 đồng để xem một tác phẩm điểm 9, có đáng không? Nếu chỉ có thể nâng tầm từ điểm 8 lên điểm 9 thì đã đủ để “convert” lượng người xem khủng từ digital sang cinema chưa, hay chúng ta cần điểm 10, thậm chí 20, 30? Và làm sao để có thể biến một tác phẩm (mà chúng ta cho là đã) quá hay với production công phu trở thành một tác phẩm còn hay hơn nữa và công phu hơn nữa, bài toán này xem ra thật khó nhằn. Đó là chưa kể, với đề tài gai góc và hóc búa của mình, ê-kíp làm phim của Chị mười ba còn phải đối mặt với một “thách thức” còn khó nhai hơn nữa là trong quá khứ có rất nhiều tác phẩm vướng lại: kiểm duyệt.

Dù sao đi chăng nữa, thì trường hợp nâng tầm Thập tam muội từ web drama lên phim điện ảnh Chị mười ba cũng sẽ là một liều thuốc thử rất tốt cho làng phim Việt trong thời điểm hiện tại, và kết quả của nó sẽ phần nào trả lời được cho câu hỏi rằng khán giả Việt Nam đã sẵn sàng để thỉnh thoảng (chỉ là thỉnh thoảng thôi) tạm quên đi “cái ổ” YouTube Trending để đến với những premium content thực sự xứng đáng với chúng ta hơn chưa?

May we get what we want
May we get what we need
But may we never get what we deserve?

11,793 Comments