Chuyện thường tình,  Ghi chép mỗi ngày

Chán một trò điên diễn với người

Trong số tất cả những giả thiết về sự sống của loài người, như (1) tất cả chúng ta đều đang sống trong một con game giả lập, (2) mọi thứ ta biết đều chỉ là giấc mộng của một cánh bướm, (3) vũ trụ này thực chất chỉ là một nguyên tử trên lưng của một con bọ đậu trên vai của một người khổng lồ nào đó, tôi lại có xu hướng tin rằng (4) thế giới mà mình đang sống thực ra vốn chỉ được tạo ra từ sai lầm của một đứa trẻ. Thử tưởng tượng một đứa trẻ đang sống ở chiều không gian của chính nó, một ngày nọ xách chiếc xô ra bờ suối ngồi chơi, nó hòa trộn mọi thứ lại trong chiếc xô đó: một ít lá, một nhúm đất, một ít nước suối, vài hòn sỏi… và vô tình tạo ra một thế giói nhỏ trong đấy. Và vì là một thế giới nhỏ được tạo ra từ sự vô tình không chủ ý, nên đó là một thế giới bị bỏ rơi bởi thượng đế của chính nó, như chính bản thân mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày vẫn phạm phải vô số những sai lầm mà mình không biết, để rồi bị cuộc sống cuốn trôi đá, và từ những sai lầm đó nảy sinh những hậu quả vô biên mà vĩnh viễn chúng ta không thể nào gánh vác được…

Vì được nảy sinh từ một sai lầm, nên thế giới này sẽ chỉ mãi là một thế giới như nó đang là, chứ không thể nào là một thế giới như nó phải là, hoặc như nó nên là, dù bạn có cố gắng cách mấy. Đôi khi, chính bản thân mình cũng bị giằng xé và lôi kéo giữa hai dòng tư tưởng: hoặc xắn tay áo lên và cứu thế giới, như cách mà Ayn Rand tiếp tục viết “Suối nguồn” dù đã muốn bỏ cuộc, bởi bà không muốn bỏ mặc thế giới cho những kẻ mà mình khinh bỉ; hoặc sống theo tư tưởng mà cụ Kurt Vonnegut đã phát biểu trong “Người không quê hương”, rằng “Chúng ta sống trên trái đất này là để làm chuyện ruồi bu. Đừng để ai nói khác đi với bạn dù chỉ là một chút”.

Ảnh nhân một ngày làm chuyện ruồi bu

Những dẫu có sống kiểu gì thì đời cũng rất mệt. Như Nguyễn Ngọc Tư từng viết rằng “Sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm thì áy náy”. Tính ra nếu lúc đầu chịu khó chọn áy náy một xíu thì đời đã đỡ cam go, hê hê.

Từ năm 15 tuổi, mình đã thường xuyên mơ về cái chết của bản thân mình, nhưng chưa suy nghĩ gì cả. Năm 16 tuổi, mình bắt đầu suy nghĩ về chúng nhiều hơn, dự cảm về cái chết rõ rệt đến mức như có thể sờ được tận tay, nhưng rồi chúng bị dập tắt bởi mình còn một ước mơ lớn trong đời chưa thực hiện được, nên cái chết, dẫu mãnh liệt đến đâu, còn phải đợi. Năm 17 tuổi, ước mơ lớn vẫn chưa thành, nhưng những suy nghĩ về cái chết thì bắt đầu liền mạch hơn, khúc chiết hơn, rõ ràng hơn. Năm 18 tuổi, tuổi đẹp để chết, nhưng mình đã hoàn thành ước mơ lớn và mình quyết định tiếp tục dành thêm một thời gian dài trong cuộc đời để làm những chuyện lớn đó. Những “chuyện lớn” thật tuyệt biết bao. Mình đã dời “deadline” cuộc đời sang năm 30 tuổi.

Ở thế hệ nào thì không biết, nhưng mình nghĩ thế hệ của mình thì cũng có kha khá số người chọn tuổi 30 làm deadline của cuộc đời đó. Nên năm 18 tuổi mình cương quyết 30 tuổi mình sẽ chết. Năm 22 tuổi mình vẫn cương quyết thế. Năm 25 vẫn thế. Năm 27 vẫn thế, dù nỗi sợ khi deadline đến gần cũng có khiến mình có chút e dè. Nhưng đến năm 28 tuổi, một bước ngoặt khác xuất hiện tiếp tục làm thay đổi cuộc đời mình. Ngoài “chuyện lớn” nói trên và một số thứ thân thuộc khác vốn có đóng vai trò “mỏ neo” giúp mình neo lại được cuộc đời, mình lại tìm được một “mỏ neo” khác, nó đã làm thay đổi cục diện và mình quyết định tiếp tục… dời deadline (thế cuộc đời có phải chỉ là một chuỗi dời deadline?).

Nói một cách ngắn gọn, ở đời muốn sống được, cần phải có “mỏ neo”. Nếu chẳng có thứ gì để neo vào, sớm muộn gì bạn cũng… trôi đi mất. Sống không có định hướng và không mê thứ gì điên cuồng, rồ dại thì hẳn là mệt mỏi lắm. Đời mình may mà tìm được “mỏ neo chân ái” từ hồi còn ngây dại, chứ không thì đến giờ chắc cũng không còn tồn tại để mà gõ nhảm như thế này nữa. Nhưng mà, nói đi thì phải nói lại, không phải cái mỏ neo nào cũng tốt, nhất là những cái mỏ neo thay vì làm nhiệm vụ giữ chân bạn như một người bạn đồng hành, thì chúng lại đóng vai trò như một sợi dây trói chặt bạn. Những mỏ neo căng thẳng quá mức sẽ gây áp lực lên chính đôi vai của cuộc đời mà bạn đang sống. Lúc đó, một, hai mỏ neo đã là quá nhiều, còn ba, bốn quả neo hay nhiều hơn chắc chắn sẽ có lúc khiến bạn bung ra và bứt đứt hết tất cả mọi thứ. Nên suy cho cùng, phàm ở đời làm cái gì cũng phải có sư chừng mực, vừa phải. Tham vọng thì cũng tham vọng vừa thôi, kỳ vọng thì cũng kỳ vọng ít thôi, hy vọng cũng càng nên hy vọng ít thôi, mà đam mê thì cũng đam mê vừa phải thôi, còn nếu không thì… cháy ráng chịu.

Where there is desire, there is gonna be a flame
Where there is a flame, someone’s bound to get burned
But just because it burns doesn’t mean you’re gonna die
You’ve gotta get up and try, try, try

Lời bài Try này thì rõ là tích cực, nhưng nếu chỉ nghe hai câu đầu thì sẽ thấy rõ cả triết lý thực tế dã man của cuộc sống được thu gọn trong vòng 20 con chữ. Ở đâu có đam mê, ở đó ắt có lửa, mà có lửa thì sẽ có người cháy, dù đó là lửa do chính bạn tạo ra, hay do người khác khởi nên. Đương nhiên không phải cứ cháy là sẽ có người chết, vẫn có người sống sót qua cơn thảm kịch, nhưng cũng có những người không may mắn bị bỏ lại phái sau, rời khỏi cuộc đời, bị thiêu đốt bởi chính tham vọng của chính mình, hoặc là, tham vọng của những người xung quanh, mà đôi khi đó còn là của những người mà bạn nghĩ, hoặc tưởng rằng đó chính là mỏ neo của bạn.

…I tried so hard and got so far
But in the end it doesn’t even matter

In The End của Linkin Park từ lâu đã được xem là “thánh ca” của những người muốn kết thúc cuộc sống, nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi, nếu tôi chẳng try hard gì cả, hay chẳng got được so far tý nào, liệu tôi có quyền quyết định cuộc sống của mình hay không?

Và tôi vẫn thấy buồn cười khi người ta cho rằng những kẻ quyết định tự tử là ngốc nghếch, hoặc thiếu suy nghĩ. Đánh giá bất cứ thứ gì, cũng phải dựa trên dữ liệu và sự thật.

Một ngày nào đó, khi tôi quyết định chết, tôi nghĩ mình sẽ thông báo trước hẳn một tuần, thậm chí một tháng, và mở một cuộc thi toàn cầu xem ai có thể thuyết phục tôi đừng chết. Khi đó, bạn có thể tha hồ dùng lời lẽ hoa mỹ, tha hồ ca tụng thế giới xinh tươi và tốt đẹp này, tha hồ chọc ngoáy, tha hồ trigger, bạn có thể ca hát, làm phim, nhảy múa, hay mang cả slide power point với 1001 gạch đầu hàng để trình chiếu và thuyết phục tôi đừng chết. Nhưng khi hết thời hạn, mà bạn vẫn không làm tôi thay đổi được, (hoặc giả là hết thời hạn, mà chẳng có ai buồn thuyết phục tôi), thì đó có phải là lúc tôi được quyền kết liễu cuộc sống theo ý mình, mà không bị bạn gọi là dại dột? (Dại vào mắt, IQ tôi 150 đấy nhé).

Vẫn là một câu nói quen thuộc, đôi khi tôi muốn ngừng lại, chỉ vì tôi đã chán thế giới này, chứ chẳng phải tôi mệt mỏi gì đâu.

Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
Sao không, quay gót, tên hề đã
Chán một trò điên diễn với người (TDD)

18,211 Comments